Hiện nay, với tình trạng cấp bách, nguy hiểm của đại dịch Covid-19 khiến các mặt hàng như khẩu trang, nước rửa tay khử trùng liên tục tăng giá gấp nhiều lần so với mức giá thông thường.
Với giá bán thông thường chỉ 2.000 đồng/chiếc, hiện nay một chiếc khẩu trang y tế được bán với giá 25.000 đồng thậm chí cao hơn.
Theo quy định pháp luật hiện hành, các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý thu lợi bất chính như vậy sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm bởi đã xâm phạm nguyên tắc quản lý nhà nước về định giá và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Quy định pháp luật
Cụ thể, Điểm c khoản 2 Điều 10 Luật Giá năm 2012 quy định cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Khoản 1 Điều 11 Luật Giá quy định mặc dù các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có thể được quyền tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (mặt hàng khẩu trang y tế không thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký giá và danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá) tuy nhiên tại Điều 17 Nghị định 177/2013/NĐ-CP phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết theo quy định.
Xử phạt hành chính
Theo Khoản 1 Điều 46 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh bị coi là hành vi đầu cơ hàng hóa.
Hành vi đầu cơ hàng hóa có thể bị xử phạt hành chính số tiền 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng hoặc đến 12 tháng, đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Tại Điều 17 Nghị định số: 109/2013/NĐ-CP cũng quy định xử phạt hành chính đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý số tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Xử lý hình sự
Liệu có thể xử lý hình sự những trường hợp đầu cơ hàng hóa là khẩu trang, nước rửa tay trong tình hình dịch bệnh như hiện tại hay không?
Điều 196 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định về tội đầu cơ.
Cụ thể, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị phạt tiền từ 30 đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ ba đến 7 năm: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; hàng hóa trị giá từ 1,5 đến 3 tỷ đồng; thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới một tỷ đồng; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau bị phạt tiền từ 1,5 đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7 đến 15 năm: hàng hóa trị giá 3 tỷ đồng trở lên; thu lợi bất chính một tỷ đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.
Chế tài xử lý hình sự đối với tội phạm đầu cơ hàng hóa lên đến 15 năm tù có thể coi là có tính răn đe.
Tuy nhiên trong trường hợp các tổ chức, cá nhân đầu cơ mặt hàng là khẩu trang y tế, nước rửa tay tiệt trùng lại khó có thể bị xử lý hình sự bởi luật chỉ quy định xử lý hình sự đối với trường hợp đầu cơ sản phẩm thuộc mặt hàng bình ổn giá hoặc được Nhà nước định giá ví dụ như lúa, gạo, xăng, dầu, điện,..
Theo quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá thì mặt hàng khẩu trang y tế không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá.
Như vậy, có thể thấy sự vênh nhau, chồng chéo trong hệ thống pháp luật khi quy định xử phạt, xử lý những trường hợp lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, bán hàng hóa với giá cao như hiện tại.
Thẩm quyền xử phạt
Khi gặp các trường hợp trên, người tiêu dùng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan Quản lý thị trường hoặc Sở Tài chính để xử lý, răn đe và ngăn chặn những hành vi đầu cơ, lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi như vậy.
Trên đây là quan điểm của SJK Việt Nam về vấn đề trên, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể hơn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN SJK VIỆT NAM
Hotline yêu cầu dịch vụ luật sư tư vấn: 0962420486
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: sjk.law@hotmail.com
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng ./.
Tags: lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 để đầu cơ, SJKlaw