Truyền thống lâu đời của Việt Nam bao đời nay là con cái phải có nghĩa vụ phụng dưỡng, chăm sóc, báo hiếu cha mẹ khi về già. Tuy nhiên, trong cuộc sống sẽ có lúc xảy ra những việc không mong muốn khi cha mẹ ra đi để lại một khoản vay nợ cho con cái. Trường hợp, con cái không được nhận thừa kế thì có phải trả nợ thay cho cha mẹ không?
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Xác định đúng về chủ thể được nhận thừa kế
Chủ thể thừa kế cũng như phần di sản thừa kế được xác định phụ thuộc vào hai trường hợp: thừa kế theo di chúc; hoặc thừa kế theo pháp luật (trong trường hợp người đã mất không để lại di chúc).
Thừa kế theo di chúc
Những người được thừa kế theo di chúc là người được người đã khuất để lại và phân chia di sản theo ý chí trong di chúc. Quyền hạn và nghĩa vụ của người được thừa kế theo di chúc được quy định tại chương XXII, Bộ luật Dân sự 2015.
Theo Điều 644, những người nhận thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó là:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Thừa kế theo pháp luật
Trường hợp khi người mất không có di chúc, thì di sản được chia theo pháp luật, cụ thể là chia theo hàng thừa kế. Hàng người nhận thừa kế được quy định tại Điều 651, Bộ luật dân sự 2015:
a) Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
b) Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột (người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại).
c) Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột (người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột); chắt ruột (người chết là cụ nội, cụ ngoại).
KHÔNG ĐƯỢC NHẬN THỪA KẾ CÓ PHẢI TRẢ NỢ CHO CHA MẸ KHÔNG?
Đây là vấn đề hiện nay được nhiều người quan tâm. Người đã mất để lại di sản cho người nhận thừa kế thì người này có nghĩa vụ được quy định tại Điều 615, Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
a) Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
b) Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
c) Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
d) Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Quy định trên cho thấy những người được nhận di sản của người di chúc lại thì phải thực hiện các nghĩa vụ gắn liền với tài sản mà người đã mất để lại, bao gồm các khoản nợ, khoản cho vay.
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 422 BLDS 2015, hợp đồng sẽ chấm dứt khi cá nhân giao kết hợp đồng đó chết mà hợp đồng phải do chính cá nhân đó thực hiện. Như vậy hợp đồng gaio dịch dân sự cho vay, hợp đồng tài sản sẽ chấm dứt hiệu lực khi người trực tiếp giao dịch qua đời.
Do vậy, người không nhận thừa kế sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản, cụ thể là trả nợ cho người đã mất, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác (Khoản 1, Điều 620, BLDS2015). Đồng thời, người không được nhận thừa kế cũng không phải trả nợ cho cha mẹ.
————————————————-
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW
Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Website:https://sjklaw.vn/
Email: sjk.law@hotmail.com
Hotline: 0962420486