Dựa trên nhu cầu vay vốn cấp bách của các doanh nghiệp, các đối tượng lừa đảo cho vay lãi nặng thường đưa ra những lời quảng cáo hấp dẫn như lãi suất thấp, tài sản thế chấp có giá trị nhỏ hơn so với khoản vay, thủ tục nhanh chóng. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng vay, mức lãi suất DN phải trả có thể lên đến 200 – 300%/năm, tức khoảng gấp 30 – 40 lần so với mức lãi suất cho vay trung hạn của nhiều tổ chức tín dụng. Vì lãi suất quá cao nên khi doanh nghiệp vay không trả đủ nợ gốc và lãi, các đối tượng cho vay thường thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật chẳng hạn như gây rối trật tự công cộng, giăng băng rôn, biểu ngữ, đăng tải các thông tin bôi nhọ doanh nghiệp trên mạng xã hội, thậm chí là đe dọa, hành hung…
Mặc dù thời gian vừa qua nhiều đường dây cho vay nặng lãi đã bị triệt phá, nhưng một số vướng mắc vẫn tồn đọng khi xử lý, xét xử tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Một số trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng có sự khác nhau trong việc áp dụng pháp luật khi xử lý tội phạm loại này và điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp đi vay.
CĂN CỨ PHÁP LUẬT VỀ VAY NẶNG LÃI
Theo Khoản 1, Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Cho vay nặng lãi là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự. (Khoản 1, Điều 2, Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao).
QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT XỬ LÝ HÀNH VI VI PHẠM
Vay nặng lãi là hành vi vi phạm pháp luật, được xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự cũng như các VBPL có liên quan. Cụ thể trong Điều 7 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP, bao gồm:
– Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà số tiền thu lợi bất chính của mỗi lần phạm tội từ 30.000.000 đồng trở lên, nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
– Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và các hành vi này chưa lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
– Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng:
+ Trong đó có một lần cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và hành vi cho vay lãi nặng này chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Còn các hành vi cho vay lãi nặng khác thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, các hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính;
thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
– Trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,…) thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
– Trường hợp người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên, nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà người cho vay chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà họ nhằm đạt được.
————————————————-
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW
Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Website:https://sjklaw.vn/
Email: sjk.law@hotmail.com
Hotline: 0962420486