Căn cứ các quy định của Luật Đầu tư 2020, Luật doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào công ty Việt Nam (Công ty Việt Nam được hiểu là công ty được thành lập tại Việt Nam bao gồm: Công ty 100% vốn chủ sở hữu là người Việt Nam và Công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam) được quy định và thực hiện như sau:
Hình thức nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam
- Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần thông qua việc mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
- Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn thông qua việc mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
- Góp vốn vào công ty hợp danh thông qua việc mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
- Góp vốn vào công ty Việt Nam theo hình thức khác.
*Nhà đầu tư nước ngoài được hiểu là cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tại công ty 100% vốn Việt Nam.
Điều kiện nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam
+ Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam phải tuân thủ hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
+ Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty Việt Nam không hạn chế trừ các trường hợp như sau:
- Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
- Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;
- Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không phải là công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, các quỹ đầu tư, doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào công ty Việt Nam trong các trường hợp sau:
+ Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào công ty Việt Nam hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;
+ Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của công ty Việt Nam.
Hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào công ty Việt Nam
+ Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
+ Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.
Các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty 100% vốn Việt Nam
Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính làm thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty 100% vốn Việt Nam.
Trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ để công ty thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
Bước 2: Sau khi có chấp thuận của Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục như sau: Nếu mua từ 51% vốn công ty Việt Nam mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp cho công ty Việt Nam, sau đó nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hiện góp vốn chuyển nhượng và kê khai thuế thu nhập chuyển nhượng.
Bước 3: Sau đó, công ty mà nhà đầu tư tiến hành mua vốn góp, cổ phần sẽ thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính làm thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Bước 2: Sau khi có chấp thuận của Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Nếu công ty chưa tách Giấy chứng nhận đầu tư thành giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty phải thực hiện thủ tục tách và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, làm dấu pháp nhân mới tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Bước 3: Sau khi có chấp thuận của Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục như sau: Nếu mua từ 51% vốn công ty Việt Nam mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp cho công ty Việt Nam, sau đó nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hiện góp vốn chuyển nhượng và kê khai thuế thu nhập chuyển nhượng.
Bước 4: Sau khi tách giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty phải thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan có thẩm quyền.
Việc thanh toán của bên nhận chuyển nhượng cho bên chuyển nhượng vốn góp
Căn cứ Thông tư số 06/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc thanh toán cho các giao dịch chuyển nhượng vốn đầu tư trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải được thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của doanh nghiệp đó. Do đó, khi có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn công ty Việt Nam phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại một ngân hàng tại Việt Nam; có thể được mở bằng đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ, tùy thuộc vào đồng tiền được dùng để góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp.
Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc để được sử dụng dịch vụ Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN SJK VIỆT NAM
Hotline yêu cầu dịch vụ luật sư tư vấn: 0962420486
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: sjk.law@hotmail.com
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng ./.
Tags: Góp vốn vào công ty, Nhà đầu tư, Nhà đầu tư nước Ngoài, Vốn đầu tư