Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải mới nhất 2020
Quyết định số 09/2020/QĐ-TT về Quy chế ứng phó sự cố chất thải ban hành ngày 18/03/2020 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/05/2020 theo đó cơ quan quản lý nhà nước, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở xử lý chất thải (sau đây viết tắt là cơ sở) và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động ứng phó sự cố chất thải có trách nhiệm thực hiện xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải bao gồm: chuẩn bị ứng phó sự cố; tổ chức ứng phó sự cố; cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố; cơ chế tài chính và sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó sự cố và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải phải chủ động
- Tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố chất thải.
- Tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin sự cố chất thải, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó.
- Ứng phó sự cố chất thải phải được thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” quy định tại pháp luật phòng, chống thiên tai; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố.
- Chỉ huy thống nhất, phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố chất thải.
- Tổ chức, cá nhân gây sự cố chất thải chịu trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức ứng phó sự cố, cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố, bồi thường thiệt hại và các chi phí khác do sự cố gây ra theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 4 Quyết định số 09/2020/QĐ-TT về Ban hành quy chế ứng phó sự cố chất thải, phân loại sự cố chất thải thành 4 mức độ gồm:
- Các trường hợp thuộc sự cố mức độ thấp, chi tiết và cụ thể:
Sự cố trong phạm vi của cơ sở và trong khả năng tự ứng phó của cơ sở;
Sự cố không thuộc trường hợp trong phạm vi và trong khả năng tự ứng phó của cơ sở, có phạm vi ảnh hưởng trong địa giới hành chính của một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết tắt huyện).
- Các trường hợp thuộc sự cố mức độ trung bình
Là các trường hợp có phạm vi ảnh hưởng trong địa giới hành chính của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là tỉnh).
- Các trường hợp thuộc sự cố mức độ cao và sự cố mức độ thảm họa
Là các trường hợp không thuộc các sự cố có mức độ thấp, trung bình mà có phạm vi ảnh hưởng trên địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên hoặc là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, có ảnh hưởng lớn đến quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Việc ứng phó sự cố mức độ thảm họa được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
Trách nhiệm ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở
Theo khoản 1 Điều 9 Quy chế quy định, người đại diện theo pháp luật của cơ sở hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy ứng phó sự cố tại cơ sở theo đó người chỉ huy ứng phó sự cố tại cơ sở phải tổ chức ứng phó sự cố, đánh giá phạm ảnh hưởng và khả năng tự ứng phó của cơ sở.
Đối với các trường hợp sự cố chất thải trong khả năng tự ứng phó của cơ sở, người chỉ huy có trách nhiệm thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố theo kế hoạch, kịch bản đã được phê duyệt, đồng thời có trách nhiệm báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và UBND cấp xã về việc ứng phó sự cố trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện sự cố chất thải.
Đối với trường hợp sự cố chất thải vượt ngoài khả năng tự ứng phó của cơ sở, người chỉ huy phải thông báo ngay đến UBND cấp huyện hoặc cấp xã hoặc Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện để được tổ chức ứng phó; bàn giao quyền chỉ huy cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và chỉ đạo lực lượng ứng phó sự cố của cơ sở thực hiện theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện.
Về viêc Báo cáo và thông báo sự cố thất thải bao gồm các nội dung cụ thể như thời gian, địa điểm, nguyên nhân xảy ra sự cố; mức độ, phạm vi ảnh hưởng, các thiệt hại do sự cố gây ra; các hoạt động ứng phó sự cố đã thực hiện; đánh giá khả năng ứng phó của cơ sở và các nội dung khác có liên quan.
Theo Điều 14 Quyết định số 09/2020/QĐ-TT về Ban hành quy chế ứng phó sự cố chất thải quy định tổ chức, cá nhân gây ra sự cố phải có trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường hoặc chi trả kinh phí cho công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, việc cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố phải bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh; phục hồi mặt bằng cư trú, sản xuất kinh doanh, môi trường tự nhiên đối với khu vực không có hệ sinh thái được bảo tồn; khôi phục một số đặc điểm chính của hệ sinh thái đối với khu vực có hệ sinh thái được bảo tồn.
Khuyến khích tham gia của cộng đồng trong ứng phó sự cố chất thải
Theo Điều 19 Quyết định số 09/2020/QĐ-TT về Ban hành quy chế ứng phó sự cố chất thải quy định:
“1. Cơ sở có trách nhiệm công khai thông tin cho cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan về khối lượng, tính chất của chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đồng thời công khai kế hoạch và kịch bản ứng phó sự cố thông qua hình thức niêm yết tại cơ sở và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và các hình thức thuận lợi khác.
2. Cộng đồng dân cư có khả năng bị ảnh hưởng từ sự cố chất thải phải được thông báo về các nguy cơ sự cố và các biện pháp ứng phó sự cố chất thải do cơ sở thực hiện; được biết và giám sát các hoạt động ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường do cơ sở hoặc cơ quan nhà nước thực hiện.
3. Đại diện cộng đồng dân cư, hộ gia đình có khả năng bị ảnh hưởng phải được tham gia các hoạt động diễn tập ứng phó sự cố chất thải của cơ sở và cơ quan nhà nước. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm thông tin cho cộng đồng và làm đầu mối thông tin liên lạc trong quá trình chuẩn bị, thực hiện ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố. Trường hợp cần thiết, đại diện cộng đồng dân cư có quyền yêu cầu cơ sở, cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp, giải trình các thông tin về sự cố chất thải, ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường.“
Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia cung cấp dịch vụ ứng phó sự cố chất thải, bao gồm: chuẩn bị ứng phó sự cố chất thải, tổ chức ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố chất thải.
Đồng thời, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp công sức, tài chính cho các hoạt động ứng phó sự cố chất thải.
Như vậy, Quyết định số 09/2020/QĐ-TT về Ban hành quy chế ứng phó sự cố chất thải đã quy định trách nhiệm của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tương ứng với từng loại sự cố; đồng thời quy định rõ người chỉ đạo ứng phó sự cố, người chỉ huy ứng phó sự cố, người phát ngôn về sự cố chất thải; hơn nữa Quy chế quy định rõ trách nhiệm chủ trì của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Ban chỉ huy ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp và cơ quan tài nguyên và môi trường các cấp trong ứng phó sự cố chất thải. Ngoài ra Quy chế quy định tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có trách nhiệm bồi hoàn các chi phí liên quan đến ứng phó và cải tạo, phục hồi môi trường cho Nhà nước.
Kết luận:
Quyết định số 09/2020/QĐ-TT về Quy chế ứng phó sự cố chất thải có hiệu lực kể từ ngày 01/05/2020 đã tạo cơ sở pháp lý về ứng phó sự cố chất thải giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở xử lý chất thải (sau đây viết tắt là cơ sở) và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động ứng phó sự cố chất thải phải có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải; đồng thời, Quy chế cũng cụ thể, làm rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong ứng phó từng loại sự cố môi trường, trong đó có sự cố chất thải; Đây có thể được coi là cơ sở pháp lý quan trọng để tháo gỡ những bất cập trong công tác quản lý và ứng phó sự cố chất thải cho các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện.