Năm 2020, quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đã dành ra gần 19,5 ngàn ha đất để xây dựng hạ tầng các dự án và công trình công cộng nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn. Những dự án, công trình đó chủ yếu được đầu tư bằng 2 nguồn: vốn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
Trong các dự án, công trình công cộng của tỉnh thì lĩnh vực giao thông có nhiều dự án nhất với khoảng 235 dự án, có tổng diện tích lên đến 8.336 hecta. Các dự án, công trình công cộng còn lại là trường học, trạm y tế, cơ sở văn hóa, thể thao, thủy lợi, công trình năng lượng, chợ…
Tạo đột phá kinh tế
Sở dĩ Đồng Nai ưu tiên đất, vốn, nhân lực để triển khai các dự án về giao thông ở 5 cấp (quốc gia, tỉnh, huyện, xã, ấp) là để tạo thuận lợi trong vận chuyển vật tư nguyên liệu, hàng hóa, đẩy mạnh giao thương. Đây được xem như một trong những đột phá lớn trong phát triển kinh tế của từng địa phương và tỉnh. Thực tế cho thấy, ở nhiều khu vực trong tỉnh, khi đường giao thông mở ra, tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người dân phát triển mạnh hơn, mức sống tăng lên và chất lượng sống cũng được nâng cao.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Quốc Hùng, năm 2020, Đồng Nai sẽ tiến hành đấu giá nhiều khu đất công trong tỉnh để có vốn triển khai các công trình hạ tầng công cộng. Tỉnh sẽ ưu tiên thêm vốn cho những công trình công cộng thực hiện nhanh. |
Ông Trần Văn Phi, người dân xã Bảo Quang (Thành phố.Long Khánh) chia sẻ: “Trước đây, khi đường giao thông trong xã chưa được xây dựng, đến mùa thu hoạch trái cây rộ rất khó bán, thương lái thường trả rẻ vì “chê” đường vào vận chuyển khó khăn. Thế nhưng, từ khi các tuyến đường trong xã, ấp được đầu tư xây dựng rộng rãi, lưu thông thuận lợi, nông sản của người dân có giá bán cao hơn hẳn và đến mùa, thương lái đưa xe tải vào tận vườn đóng hàng”.
Trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đứng đầu cả nước một phần là vì tìm ra được bước đột phá để phát triển kinh tế, nâng thu nhập cho người dân thông qua tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, đưa điện ra đồng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Đồng Nai tập trung triển khai nhanh các dự án, công trình về hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh là để tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Mục tiêu của tỉnh năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 5,3 ngàn USD”.
Do đó, ngay từ đầu năm, tỉnh đã giao chỉ tiêu, kế hoạch cho từng địa phương để có kế hoạch điều hành cho phù hợp nhằm đạt bước tăng trưởng như dự tính. Trong đó, các địa phương và tỉnh sẽ ưu tiên thực hiện những giải pháp có thể tạo ra bước tăng trưởng cao trong phát triển kinh tế – xã hội.
Ưu tiên vốn cho các công trình
Các dự án, công trình công cộng khi được đưa vào quy hoạch sử dụng đất sẽ được tỉnh, huyện, thành phố phân bổ vốn thực hiện theo từng năm. Vì thế, tỉnh và các địa phương sẽ sắp xếp theo mức độ quan trọng của từng dự án, công trình để ưu tiên vốn, ưu tiên nguồn nhân lực triển khai. Các địa phương có nhiều công trình, dự án công cộng đã và đang triển khai là: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Biên Hòa…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Thành Võ Tấn Đức cho biết: “Huyện đang triển khai nhiều dự án về hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, của tỉnh và của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Huyện Long Thành phân loại các công trình để ưu tiên vốn, nhân lực thực hiện nhanh các dự án trọng điểm, quan trọng. Vì những công trình trên hoàn thành sẽ có tác động lớn đến địa phương trong phát triển kinh tế”.
Gần đây, nhiều tập đoàn trong nước, nước ngoài đã đến Đồng Nai tìm cơ hội đầu tư là vì nhìn ra cơ hội từ các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật đang được tỉnh triển khai nhanh.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Biên Hòa chia sẻ: “Vốn đầu tư công của thành phố được dành để ưu tiên thực hiện các công trình hạ tầng công cộng như: trường học, đường giao thông, cơ sở văn hóa… Hiện thành phố đang gấp rút thực hiện hoàn tất hồ sơ, bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để có đất sạch nhằm triển khai các công trình trên”.
Năm 2020, nguồn vốn cân đối chi đầu tư công của tỉnh đạt gần 13,9 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tập trung là hơn 3,9 ngàn tỷ đồng, nguồn vốn từ xổ số kiến thiết là 1,54 ngàn tỷ đồng, nguồn vốn khai thác quỹ đất là 1,5 ngàn tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách trung ương là gần 6,9 ngàn tỷ đồng. Các nguồn vốn trên sẽ được bố trí thanh toán nợ khối lượng hoàn thành các dự án từ năm trước gồm có hoàn vốn đã vay, ứng trước và ưu tiên vốn cho các dự án chuyển tiếp từ năm trước sẽ hoàn thành trong năm 2020…
Quy hoạch sử dụng đất cho các công trình công cộng hiện đã có, vốn được bố trí, khâu còn lại là các địa phương phải thu hồi đất, bồi thường, giải tỏa nhanh hơn để các nhà đầu tư có thể bắt tay vào thực hiện dự án.