Gần đây thông qua việc tư vấn và cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, tôi đã nhận được câu hỏi từ nhiều khách hàng như sau: “nên mua hoặc sở hữu một tỷ lệ cổ phần bao nhiêu để chi phối và kiểm soát được công ty cổ phần?”. Đây là câu hỏi của nhiều người khi bắt đầu hùn hạp để thành lập công ty, mua/bán cổ phần, sáp nhập hoặc tái cấu trúc công ty rất muốn biết để có thể chi phối hoặc kiểm soát công ty cổ phần.
Sở dĩ tôi viết bài này và viết về loại hình công ty cổ phần bởi vì công ty cổ phần là một loại hình doanh nghiệp phức tạp nhất, cơ cấu quản trị/điều hành nhiều cấp nhất, nhiều người nhất trong các loại hình doanh nghiệp, đòi hỏi người quản trị/điều hành phải có kiến thức pháp lý, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế để vận hành. Thực tế đã có rất nhiều công ty cổ phần chỉ vì có sự mâu thuẫn giữa các cổ đông/nhóm cổ đông trong việc dành quyền chi phối công ty, nên đã dẫn đến tranh chấp nội bộ, kiện tụng, làm ảnh hưởng rất nặng nề đến hoạt động kinh doanh của công ty. Vì vậy, xuất phát từ thực tế nên tôi viết bài viết này để tuyên truyền đến mọi người góc nhìn/quan điểm của tôi – một Luật sư (người thường vận dụng luật vào tình huống thực tế) nhằm giúp mọi người nâng cao kiến thức và kỹ năng trong việc quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần, vận hành và quản lý công ty cổ phần.
Vậy, câu hỏi là: “nên sở hữu/mua một tỷ lệ cổ phần bao nhiêu để chi phối/kiểm soát được công ty cổ phần?”
Trả lời câu hỏi này, nhiều người nghĩ ngay đến một con số và một tỷ lệ phần trăm (%) sở hữu số lượng cổ phần đủ lớn để kiểm soát công ty cổ phần theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 (Gọi tắt “LDN 2020”). Tuy nhiên, theo quan điểm của riêng tôi, thì việc chi phối công ty cổ phần không đơn giản chỉ là sở hữu một tỷ lệ bao nhiêu phần trăm % theo số lượng cổ phần trong công ty, mà còn có nhiều cách/phương thức chi phối khác như: Việc kiểm soát quyền họp và lấy ý kiến bằng văn bản của Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị trong công ty; chi phối bằng việc kiểm soát Điều lệ công ty; chi phối thông qua các thỏa thuận cổ đông/văn bản/hợp đồng thỏa thuận; và chi phối thông qua việc nắm giữ các chức danh quản lý quan trọng trong công ty, cụ thể:
1. Chi phối/kiểm soát bằng việc nắm giữ một con số (tỷ lệ %) sở hữu cổ phần trong công ty
Trong Công ty cổ phần, thì các cổ đông là chủ sở hữu công ty. Các cổ đông hợp lại thành Đại hội đồng cổ đông (gọi tắt là “ĐHĐCĐ”). Nên ĐHĐCĐ là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Cơ quan này sẽ bầu ra các thành viên Hội đồng quản trị (gọi tắt là “HĐQT”) và thành viên Ban kiểm soát (nếu có) để thay mặt các cổ đông điều hành và kiểm soát công ty. Do vậy, nếu cổ đông nào nắm giữ tỷ lệ sở hữu cổ phần trong công ty càng nhiều thì quyền lực càng lớn bởi vì có thể chi phối đến các quyết định của ĐHĐCĐ trong công ty cổ phần.
Chính vì vậy, tôi phải khẳng định rằng việc nắm giữ tỷ lệ % sở hữu cổ phần trong công ty càng nhiều thì càng tốt và đây là cách thức chi phối quan trọng và tối ưu nhất. Bởi vì theo quy định tại Điều 148 của LDN 2020, thì đã quy định rất rõ các mức tỷ lệ cụ thể để ĐHĐCĐ thông qua các quyết định của cơ quan này và công ty là:
– Từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông dự họp tán thành khi biểu quyết tại cuộc họp thuộc các vấn đề nêu tại Khoản 1 Điều 148 LDN 2020;
– Từ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành khi biểu quyết tại cuộc họp thuộc các vấn đề nêu tại Khoản 2 Điều 148 LDN 2020;
– Còn trường hợp ĐHĐCĐ biểu quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì nghị quyết của ĐHĐCĐ được thông qua nếu được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông có quyền biểu quyết tán thành.
Như vậy rõ ràng về mặt con số và tỷ lệ sở hữu cổ phần thì sở hữu càng nhiều thì càng thuận lợi, nhưng có 02 mức tỷ lệ mà các cổ đông/nhóm cổ đông phải nên cân nhắc để sở hữu là ở mức từ 65% trở lên hoặc ở mức trên 50% vốn điều lệ nếu không đạt được mức 65% để có thể thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.
Vậy câu hỏi đặt ra tiếp là “nếu cũng không đạt được mức trên 50% vốn điều lệ, thì đạt được mức nào là tốt?” câu trả lời là nên sở hữu để đạt ở mức từ 35% vốn điều lệ trở lên (tức 35,1% trở lên). Bởi vì nếu cổ đông/nhóm cổ đông nào sở hữu tỷ lệ đạt 35,1% vốn điều lệ trở lên, thì cổ đông/nhóm cổ đông đó có quyền phủ quyết (tức không thông qua) những vấn đề/nội dung thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ thuộc Khoản 1 Điều 148 LDN, cụ thể như phủ quyết các vấn đề gồm: Thay đổi ngành nghề lĩnh vực kinh doanh, thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty, không thông qua dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản của Công ty, phủ quyết tổ chức lại, giải thể công ty và loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại. Do đó, nếu ĐHĐCĐ muốn thông qua các vấn đề này, thì không còn cách nào khác là các cổ đông/nhóm cổ đông trong công ty phải thương lượng và thỏa thuận để giải quyết với nhau.
Quyền lực của mỗi cổ đông được thể hiện bằng quyền biểu quyết dựa trên tỷ lệ sở hữu cổ phần đã mua của mỗi cổ đông trên tổng vốn điều lệ của công ty. Do vậy, quyền sinh và quyền sát của mỗi cổ đông/nhóm cổ đông để chi phối được công ty cổ phần là phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ theo các mức nêu trên.
2. Chi phối thông qua việc kiểm soát quyền họp và lấy ý kiến bằng văn bản của ĐHĐCĐ và HĐQT trong công ty
Quyền hạn của ĐHĐCĐ và HĐQT đã được LDN 2020 quy định rất cụ thể tại Điều 138 và Điều 153 LDN 2020. Theo đó, khi quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của hai cơ quan này buộc phải họp để biểu quyết hoặc lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản. Cơ chế biểu quyết của hai cơ quan này được luật quy định khác nhau. Theo đó, ĐHĐCĐ biểu quyết dựa trên tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết của mỗi cổ đông, còn HĐQT biểu quyết dựa trên số lượng thành viên HĐQT và mỗi thành viên HĐQT có một phiếu bầu ngang nhau không phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu cổ phần.
Do vậy, nhiều người thắc mắc là việc kiểm soát quyền của Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần như thế nào? Thì tôi trả lời và phân tích như sau:
Không phải ĐHĐCĐ và HĐQT bất kể lúc nào cũng có thể họp được hoặc mọi nơi và mọi lúc đều có thể họp để biểu quyết được. Theo Khoản 1 Điều 139 LDN 2020, thì ĐHĐCĐ họp thường niên mỗi năm họp một lần, ngoài ra có thể họp bất thường không hạn chế. Và theo quy định của LDN 2020, thì để tổ chức một cuộc họp ĐHĐCĐ, thì cần phải thực hiện đúng trình tự thủ tục gồm từ việc lên danh sách cổ đông, triệu tập gửi thông báo mời họp, chuẩn bị chương trình, nội dung cuộc họp,…theo đúng quy định của LDN 2020. Đặc biệt khi họp phải đủ điều kiện về số lượng cổ đông dự họp được quy định tại Điều 145 LDN 2020 như sau: ĐHĐCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết. Và nếu cuộc họp lần đầu không đủ tỷ lệ này, thì cuộc họp lần 2 sẽ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết trở lên. Và cuộc họp lần 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp. Như vậy, để họp ĐHĐCĐ nhằm biểu quyết thông qua một vấn đề/nội dung gì đó để được xem là hợp lệ và hợp pháp cũng không phải dễ dàng gì, nếu có cổ đông/nhóm cổ đông nào cố tình làm khó, thì sẽ không thực hiện được. Còn việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thì LDN 2020 cũng đã có quy định cụ thể tại Điều 149 LDN rất cụ thể và chặt chẽ, nhưng chỉ trong trường hợp xét thấy cần thiết mới được lấy ý kiến bằng văn bản. Như vậy, các cuộc họp ĐHĐCĐ và việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản mà không đúng trình tự và thủ tục, thì có nguy cơ bị khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền hủy bỏ Nghị quyết hoặc Quyết định đã được thông qua này.
Tương tự, thì HĐQT sẽ họp ít nhất mỗi quý một lần và có thể họp bất thường, việc triệu tập họp và trình tự thủ tục cũng phải đúng quy định theo Điều 157 của LDN 2020.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì nếu ĐHĐCĐ và HĐQT mà không được họp và không được lấy ý kiến bằng văn bản, thì sẽ không thể thông qua và không quyết định được bất kỳ vấn đề nào. Do vậy, có thể chi phối hai cơ quan này thông qua việc khi nào ĐHĐCĐ và HĐQT họp, ai triệu tập họp và họp để thông qua vấn đề/nội dung gì (trương trình và nội dung họp), nên họp để biểu quyết hay lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản, cuộc họp và việc lấy ý kiến bằng văn bản có hợp lệ hay không, thì mới là vấn đề đòi hỏi sự khôn khéo, kinh nghiệm của mỗi người nhằm chi phối hoạt động của công ty cổ phần. Nên cổ đông/nhóm cổ đông nào hoặc người nào có thể kiểm soát quyền họp hoặc thời điểm họp/vấn đề họp và cách thức lựa chọn việc biểu quyết, tính toán đến sự hợp lệ/hợp pháp của việc biểu quyết, thì người đó cũng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc ít nhiều kiểm soát và chi phối được Công ty cổ phần.
3. Chi phối và kiểm soát công ty thông qua việc quy định và kiểm soát nội dung điều lệ, sự sửa đổi/bổ sung hoặc thay thế điều lệ công ty cổ phần
Theo các quy định của LDN 2020, thì Điều lệ công ty được xem là Hiếp pháp của một công ty đúng nghĩa. Vì LDN 2020 đã trao quyền đặc biệt lớn cho Điều lệ công ty được quy định rất nhiều nội dung/vấn đề khác LDN 2020, đặc biệt là những vấn đề mang tính chất nội bộ và quan trọng của Công ty cổ phần gồm:
– Cho phép Điều lệ quy định một tỷ lệ khác với tỷ lệ mà LDN 2020 quy định về việc nghị quyết được thông qua khi được số cổ đông đại diện từ 65% hoặc trên 50% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông dự họp tán thành hoặc cổ đông được lấy ý kiến bằng văn bản (Nghĩa là Điều lệ được quy định tỷ lệ thấp hơn hoặc cao hơn 02 tỷ lệ này vẫn được pháp luật công nhận).
– Cho phép Điều lệ quy định khác về thời gian họp ĐHĐCĐ;
– Cho phép Điều lệ quy định các trường hợp được quyền triệu tập ĐHĐCĐ bất thường, thời hạn triệu tập, thời hạn thông báo, thời gian họp, quyền kiến nghị chương trình họp, quyền từ chối kiến nghị, phương thức triệu tập, thể thức họp, hình thức biểu quyết…;
– Cho phép Điều lệ quy định một tỷ lệ khác với tỷ lệ thỏa mãn điều kiện về số lượng cổ đông dự họp đại diện trên 50% hoặc 33% tổng số phiếu biểu quyết;
– Cho phép Điều lệ quy định thêm quyền và nghĩa vụ của ĐHĐCĐ và HĐQT;
– Cho phép Điều lệ quy định số lượng, tiêu chuẩn thành viên HĐQT, các trường hợp được triệu tập HĐQT;
– Và còn rất nhiều vấn đề khác mà LDN 2020 đã cho phép Điều lệ công ty được phép quy định mà vẫn được LDN 2020 công nhận.
Như vậy, vai trò của Điều lệ công ty theo LDN 2020 hiện nay là rất lớn. Điều lệ được quyền quy định rất nhiều vấn đề quan trọng trong công ty, tạo tiền đề cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bền vững và ổn định theo ý chí của các cổ đông ngay từ đầu được thành lập. Chính vì vậy các cổ đông và đặc biệt là các cổ đông sáng lập khi soạn thảo để thông qua Điều lệ thì hoàn toàn có thể quy định tất cả các vấn đề mà LDN 2020 cho phép quy định theo mong muốn và ý chí của cổ đông/nhóm cổ đông để chi phối công ty. Về sau các cổ đông/nhóm cổ đông này chỉ cần bảo vệ được Điều lệ này của công ty không bị sửa đổi/bổ sung hoặc thay thế, thì cũng đã trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc ít nhiều chi phối được công ty cổ phần, nhằm bảo vệ được những lợi ích tối thiểu ban đầu cho cổ đông hoặc nhóm cổ đông đó theo Điều lệ công ty đã quy định.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay không có nhiều doanh nghiệp/công ty coi trọng đến Điều lệ công ty, thậm chí nhiều công ty chỉ copy mẫu Điều lệ trên mạng để thành lập công ty xong rồi sử dụng luôn. Trong khi các mẫu điều lệ ở trên mạng thì không thể áp dụng chung cho tất cả các công ty vì mẫu này không cụ thể hóa ý chí, thực tế và điều kiện riêng của mỗi doanh nghiệp. Có nhiều công ty được hỏi thì hoàn toàn không có điều lệ hoặc không biết điều lệ ai đang giữ vì không lưu giữ,…mà bỏ ngõ hoàn toàn vai trò rất quan trọng của Điều lệ công ty.
4. Chi phối và kiểm soát công ty thông qua các văn bản/hợp đồng thỏa thuận trước, sau và khi thành lập hoặc trở thành cổ đông của công ty cổ phần
Vấn đề này mặc dù LDN 2020 không có quy định cụ thể, nhưng theo các quy định khác của pháp luật, thì các cổ đông/nhóm cổ đông trong công ty cổ phần vẫn có thể và có quyền thỏa thuận bằng văn bản/hợp đồng để chi phối đến các hoạt động của công ty cổ phần thông qua việc thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ khác của cổ đông/nhóm cổ đông làm ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến công ty cổ phần. Trên thực tế, các thỏa thuận này thường được gọi là “Thỏa thuận cổ đông”. Theo đó, các thỏa thuận cổ đông này rất đa dạng và có thể được lập trước, sau hoặc khi trở thành cổ đông/nhóm cổ đông của công ty. Nếu có các thỏa thuận cổ đông này, thì các cổ đông bị ràng buộc và chịu sự chi phối lẫn nhau trong mọi vấn đề có thỏa thuận liên quan đến Công ty.
Đối chiếu các quy định của pháp luật điều chỉnh các thỏa thuận cổ đông này, thì hiện tại LDN 2020 chỉ có quy định về “Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp” theo Điều 18 LDN 2020, còn lại pháp luật Việt Nam đều không quy định cụ thể về các thỏa thuận cổ đông. Tuy nhiên, theo các quy định của Bộ luật dân sự 2015 và các quy định khác của pháp luật thì có điều chỉnh về hợp đồng/giao dịch dân sự/nghĩa vụ/quyền của cá nhân/pháp nhân,…, nên các cổ đông/nhóm cổ đông vẫn có quyền ký các thỏa thuận cổ đông để thực hiện với nhau miễn là các thỏa thuận này không trái đạo đức và không vi phạm điều cấm của Luật.
Thực tế, các trường hợp như thỏa thuận về mua bán cổ phần và sáp nhập doanh nghiệp, thì các cổ đông/nhóm cổ đông thường có những thỏa thuận khác để chi phối đến công ty như vấn đề về nghĩa vụ tài chính phát sinh/thương hiệu/hạn chế cạnh tranh/bảo mật/khách hàng/tài sản/nhân sự/phạt vi phạm/bồi thường thiệt hại,…, nhằm giải quyết mọi vấn đề giữa các cổ đông/nhóm cổ đông và công ty kéo theo về sau làm ảnh hưởng gián tiếp hoặc trực tiếp đến công ty cổ phần.
Như vậy, cổ đông/nhóm cổ đông cũng có thể và có quyền ký kết các thỏa thuận cổ đông bằng văn bản để chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp đến các quyền/nghĩa vụ của cổ đông/nhóm cổ đông làm ảnh hưởng đến hoạt động của công ty cổ phần.
5. Chi phối thông qua việc nắm giữ hoặc cử người khác nắm giữ các chức danh quản lý quan trọng trong Công ty cổ phần
Các chức danh quản lý quan trọng mà một cá nhân có thể nắm giữ trong công ty cổ phần phải kể đến gồm:
(1) Chủ tịch HĐQT;
(2) Thành viên HĐQT;
(3) Giám đốc hoặc tổng giám đốc
(4) Trưởng ban kiểm soát; kiểm soát viên (nếu có)
(5) Kế toán trưởng
Trong đó, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần có thể là Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc/Tổng giám đốc.
Việc chi phối công ty cổ phần thông qua việc nắm giữ các chức danh quản lý quan trọng trong công ty cổ phần là đương nhiên, bởi vì các chức danh này là người hàng ngày chỉ đạo, điều hành và quản lý trực tiếp công ty, là những người trực tiếp định đoạt và chuyển giao tài sản của công ty cho người khác và thậm chí là những người quyết định vấn đề thịnh hoặc suy của một công ty cổ phần.
Mỗi chức danh đều có vai trò, vị trí và công việc riêng, trong đó quan trọng nhất phải kể đến chức danh (1) Chủ tịch HĐQT. Bởi vì Chủ tịch HĐQT là người đứng đầu HĐQT, nên tiếng nói, vai trò, vị trí và quyền quyết định của Chủ tịch HĐQT là lớn nhất. Quyền hạn và vai trò của Chủ tịch HĐQT đã được LDN 2020 quy định cụ thể ví dụ: Theo quy định tại Khoản 12 của Điều 157 LDN 2020 quy định việc xử lý các phiếu biểu quyết của thành viên HĐQT ngang nhau như sau: “trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng quản trị”. Như vậy, nếu giữ chức danh Chủ tịch HĐQT, thì quyền của Chủ tịch HĐQT mặc dù cũng chỉ có 01 phiếu biểu quyết nhưng như là có tới 02 phiếu biểu quyết theo quy định này. Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT còn có thể chi phối, điều phối và chỉ đạo được mọi các chức danh lãnh đạo khác và mọi hoạt động kinh doanh của Công ty, trừ quyền của ĐHĐCĐ.
Tiếp theo, nếu cổ đông được bầu là (2) thành viên HĐQT, thì quyền của mỗi thành viên HĐQT cũng rất lớn. Đa số các vấn đề trong công ty cổ phần, trừ quyền của ĐHĐCĐ ra, thì các vấn đề khác còn lại đều do HĐQT và thành viên HĐQT quyết định hết. Ví dụ, nếu Công ty có 03 thành viên HĐQT (mỗi người một phiếu ngang nhau), thì rõ ràng mỗi thành viên HĐQT nắm giữ 1/3 quyền lực của công ty cổ phần, tương tự nếu công ty có 05 thành viên HĐQT, thì mỗi thành viên HĐQT nắm giữ 1/5 quyền lực của Công ty cổ phần. Do vậy, việc vận dụng quyền hạn, quyền lực và phối hợp giữa các thành viên HĐQT với nhau để thông qua các quyết định/nghị quyết của HĐQT là rất quan trọng khi giữ chức danh thành viên HĐQT.
Tiếp đến là chức danh (3) Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Theo quy định của LDN 2020, thì chức danh này là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao. Như vậy, Giám đốc và Tổng Giám đốc là người có thực quyền, chịu trách nhiệm điều hành kinh doanh, thực hiện các quyết định/nghị quyết của ĐHĐCĐ, của HĐQT và quyết định các vấn đề hàng ngày của công ty không thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ, HĐQT hoặc Chủ tịch HĐQT. Do vậy, người nào làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty cổ phần, thì gần như biết hết và nắm mọi hoạt động của công ty nên có quyền quyết định và chi phối rất lớn đến công ty cổ phần trong phạm vi quyền quyết định của giám đốc/tổng giám đốc, chỉ sau quyền hạn của Chủ tịch HĐQT và thành viên HĐQT.
Đối với chức danh (4) Trưởng ban kiểm soát và kiểm soát viên là những chức danh thuộc Ban kiểm soát (nếu có) của công ty cổ phần. Vai trò chính của Ban kiếm soát là thực hiện việc giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty. Do vậy, Ban kiểm soát phải do ĐHĐCĐ bầu và hoạt động vì lợi ích, giám sát tài sản và bảo vệ quyền lợi của các cổ đông. Do vậy, nếu là Trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, thì có quyền giám sát và có thể biết được mọi hoạt động của công ty cổ phần và hoạt động của HĐQT, Giám đốc/Tổng giám đốc để báo cáo cho ĐHĐCĐ quyết định.
Cuối cùng là chức danh (5) Kế toán trưởng, mặc dù chức danh này không được LDN 2020 quy định cụ thể, nhưng có vai trò cũng quan trọng, bởi vì là người trực tiếp và chịu trách nhiệm quản lý/hạch toán/cân đối dòng tiền, tài chính và tài sản của công ty (mạch máu/sức khỏe của doanh nghiệp) theo yêu cầu của Giám đốc/tổng giám đốc và HĐQT. Do vậy, tất cả các vấn đề liên quan đến tài chính như dòng tiền ra, vào, vay mượn, đầu tư hoặc việc quản lý tài sản, thì kế toán trưởng đều nắm được và trực tiếp thực hiện theo yêu cầu của công ty. Chính vì vậy, việc giữ chức danh kế toán trưởng hoặc cử người của mình giữ chức danh kế toán trưởng để biết đến các hoạt động tài chính/đầu tư của công ty, nhằm điều chỉnh và chi phối đến công ty kịp thời cũng là một lợi thế. Ví dụ, khi biết được Công ty có phát sinh đến một khoản tài chính lớn hoặc tài sản lớn mà ảnh hưởng đến công ty và quyền lợi của cổ đông, thì Kể toán trưởng có thể thông báo ngay cho các cổ đông/nhóm cổ đông để quyết định hoặc chi phối kịp thời.
Như vậy, rõ ràng việc chi phối hoặc kiểm soát đến hoạt động của công ty nói chung và công ty cổ phần nói riêng không chỉ đơn thuần là sở hữu đủ số lượng/tỷ lệ số cổ phần cần thiết dựa trên vốn điều lệ, mà còn có nhiều phương án khác để chi phối/tác động như tôi đã nêu và phân tích như trên. Do vậy, ngay từ đầu tùy vào nhu cầu, điều kiện và kinh nghiệm của mỗi người mà nên cân nhắc để chi phối bằng phương án nào là tốt nhất hoặc kết hợp tất cả các phương án nêu trên. Vấn đề này là do mỗi người/cổ đông/nhóm cổ đông quyết định.
Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc để được sử dụng dịch vụ Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN SJK VIỆT NAM
Hotline yêu cầu dịch vụ luật sư tư vấn: 0962420486
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: sjk.law@hotmail.com
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng ./.