THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO MỚI THÔNG QUA CHUYỂN KHOẢN

DIỄN BIẾN VỤ VIỆC

Ngày 6/5, Công an huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước cho biết đã phát hiện thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới bằng hình thức chuyển khoản khi mua vàng.

Đối tượng khi chuyển khoản tiền khác hệ thống ngân hàng, người nhận không nhận được tiền ngay. Tuy nhiên, tài khoản của đối tượng vẫn báo thực hiện giao dịch thành công.

Khi ngân hàng thực hiện chuyển khoản, nếu phát hiện tài khoản của đối tượng không có tiền sẽ huỷ giao dịch. Việc huỷ giao dịch này không thể thực hiện ngay tức thì; mà cần thời gian để hệ thống xác minh và thông báo lại.

Lợi dụng điểm yếu này, các đối tượng phạm tội thực hiện “chuyển tiền ảo”. Đối tượng đến các tiệm vàng để mua vàng bạc, đá quý; sau đó nói lý do không có sẵn tiền mặt để yêu cầu giao dịch qua tài khoản ngân hàng. Chúng thực hiện chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng nhưng người nhận chỉ thấy màn hình giao dịch thành công của đối tượng.

Chủ tiệm vàng tin rằng một lát sau tiền sẽ qua nên người bán đã để các đối tượng rời đi khỏi tiệm. Tuy nhiên, thực tế là không chuyển khoản thành công, người bán không nhận được tiền.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Căn cứ theo Nghị định 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng.

Khoản 7, Điều 26 có nêu:

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, cơ sở dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh;

c) Sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện các giao dịch cho các mục đích lừa đảo, gian lận; 

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi. Hành vi lợi dụng lỗi hệ thống để lừa đảo là hành vi đã có sự tính toán trước. Các hình thức lừa đảo đều dẫn đến một hậu quả đó là chiếm đoạt một số tiền cụ thể của người bị hại, gây ảnh hưởng lớn đến người bị hại cũng như ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Căn cứ Điều 174 về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khung xử phạt như sau:

Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

f) Dùng thủ đoạn xảo quyệt.

Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

————————————————-

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW

Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Website:https://sjklaw.vn/

Email: sjk.law@hotmail.com

Hotline: 0962420486