HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM

Nhượng quyền thương hiệu (nhãn hiệu) là tên gọi được phiên dịch ra từ thuật ngữ tiếng anh “Franchise”, tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay quy định tên gọi chính xác là nhượng quyền thương mại. Đây là một trong số hoạt động thương mại phổ biến hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới.

Điều 284 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yên cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện: việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền; Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh”.

Hoạt động nhượng quyền thương mại được quy định tại các văn bản sau:

– Luật Thương mại năm 2005;

– Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động NQTM;

– Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;

– Thông tư số 09/2006/TT-BTM, ngày 25/5/2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn đăng ký hoạt động NQTM;

– Thông tư số 04/2016/TT-BCT ngày 6/6/2016 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, NQTM, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực…

Điều kiện nhượng quyền thương mại vào Việt Nam:

– Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm;

– Đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại;

– Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh được nhượng quyền không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh;

– Nếu hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh sau khi cơ quan quản lý ngành cấp Giấy phép kinh doanh, giấy tờ có giá trị tương đương hoặc có đủ điều kiện kinh doanh.

Đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại:

Hồ sơ đề nghi đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại:

– Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại (mẫu MĐ-1 Phụ lục II Thông tư 09/2006/TT-BTM);

– Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại (Phụ lục III Thông tư 09/2006/TT-BTM);

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập và xác nhận;

– Bản sao từ sổ gốc/bản sao có chứng thực/bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu văn bản bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ;

– Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng  quyền lại của bên nhượng quyền ban  đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp.

Nơi tiếp nhận hồ sơ: Bộ Công thương

Trình tự thủ tục:

Bộ Công thương tiếp nhận hồ sơ

– Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì ghi giấy biên nhận cho thương nhân;

– Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong vòng tối đa 02 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công thương sẽ thông báo bằng văn bản để thương nhân sữa chữa, bổ sung hồ sơ. Thương nhân đăng ký có quyền yêu cầu Bộ Công thương có trách nhiệm trả lời.

Trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công thương có trách nhiệm  vào sổ hoạt động thương mại và thông báo cho thương nhân biết. Trong trường hợp từ chối đăng ký, Bộ Công thương trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Ký  kết hợp đồng nhượng quyền thương mại

Hình thức: bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương

Nội dung: Các bên tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng nhượng quyền thương mại. Trong trường hợp các bên lựa chọn áp dụng pháp luật Việt Nam, hợp đồng có thể có các nội dung chính như sau:

– Nội dung của quyền thương mại;

– Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền;

– Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền;

– Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thành toán;

– Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng;

– Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.

Luật áp dụng: Các bên có thể thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng là pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài.

Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc để được sử dụng dịch vụ Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

 CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN SJK VIỆT NAM

Hotline yêu cầu dịch vụ luật sư tư vấn: 0962420486

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: sjk.law@hotmail.com

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng ./.

Tags: , ,