Giải quyết tài sản sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật

Giải quyết tài sản khi ly hôn được thực hiện như thế nào? Quá trình thực hiện giải quyết ly hôn, tài sản chung của vợ, chồng sẽ được các bên tự thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án chia. Vậy, việc xác định tài sản và cách chia tài sản chung của vợ, chồng khi ly hôn được giải quyết như thế nào? Hãy cùng SJK Việt Nam tìm hiểu trong bài viết dưới đây:

1. Những loại tài sản của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân

  •  Tài sản chung của vợ, chồng

Tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

– Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức, phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.

– Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

– Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng.

– Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

– Trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Theo quy định của pháp luật thì việc phân chia tài sản chung khi ly hôn của vợ chồng được thực hiện  khi ly hôn hoặc sau khi ly hôn đây là quy định đảm bảo nguyên tắc tự thỏa thuận của các cặp vợ chồng.

  • Tài sản riêng của vợ, chồng

Theo quy định tại Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

– Tài sản riêng của vợ chồng gồm tài sản mỗi người có được trước khi kết hôn.

– Tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân.

– Tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

– Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng.

Ngoài ra tài sản riêng của vợ, chồng còn được quy định tại Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP bao gồm:

– Quyền tài sản đối với quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

– Tài sản mà vợ, chồng xác lập theo quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền khác.

– Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

2. Loại tài sản không được chia khi ly hôn

Giải quyết tài sản khi ly hôn của vợ, chồng được thực hiện khi các bên có yêu cầu. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc tự giải quyết tài sản khi ly hôn thì Tòa án sẽ công nhận sự thỏa thuận đó. Vì vậy, các loại tài sản không được chia khi ly hôn:

  •  Tài sản được thỏa thuận không phân chia khi ly hôn

Một trong những nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn được pháp luật quy định nhằm tôn trọng sự thỏa thuận, sự tự định đoạt của các bên đối với tài sản của mình. Tòa án sẽ không phân chia tài sản đã được các bên thỏa thuận mà cộng nhận sự thỏa thuận tự phân chia về tài sản của vợ, chồng.

  • Tài sản riêng của vợ, chồng

Tài sản được xác định là tài sản riêng của vợ, chồng dựa vào cắn cứ quy định của pháp luật. Tài sản riêng không có sự đóng góp của người còn lại, vì vậy bên còn lại không có quyền yêu cầu Tòa án phân chia.

3. Giải quyết tài sản khi ly hôn

Việc giải quyết tài sản khi ly hôn được quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP như sau:

Tài sản được giải quyết khi ly hôn là tài sản chung của vợ chồng, khi vợ chồng không thể tự mình thỏa thuận được về vấn đề phân chia tài sản chung thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tài sản khi ly hôn hoặc sau khi ly hôn.

Áp dụng chế độ tài sản của vợ, chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc sẽ được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ, chồng được chia:

  • Hoàn cảnh gia đình và của vợ, chồng

– Tình trạng về năng lực pháp luật, sức khỏe, khả năng lao động…

– Căn cứ vào các yếu tố này bên gặp khó khăn hơn khi ly hôn sẽ được chia nhiều hơn so với bên kia.

  • Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập duy trì và phát triển khối tài sản chung

– Sự đóng góp tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ chồng trong việc tạo lập duy trì phát triển khối tài sản chung.

– Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm.

– Bên có công sức đóng góp nhiều hơn được chia nhiều hơn.

  • Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động, tạo thu nhập

– Chia tài sản nhằm đảm bảo vợ, chồng đang hành nghề được tiếp tục hành nghề, đang kinh doanh được tiếp tục kinh doanh.

– Việc chia tài sản không làm ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

  • Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng

– Chồng hoặc vợ có hành vi bạo lực gia đinh, không chung thủy hoặc phá tán tài sản.

– Khi chia tài sản chung của vợ chồng cần xem xét lỗi để đảm bảo quyền, lợi ích cho người còn lại và con chưa thành niên.

Tags: , ,