Các mức xử phạt khi làm mất hóa đơn

Mất hóa đơn đã làm thông báo phát hành (không phân biệt đã lập (viết, sử dụng) hay chưa lập)

Hình ảnh minh họa (nguồn: internet)

1.Mất hóa đơn liên 1 (liên lưu), liên 3 (nội bộ):

Cách xử lý: Doanh nghiệp nếu phát hiện mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập hoặc chưa lập phải lập tức báo cáo về việc mất, cháy, hỏng và thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất không quá 05 ngày kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy, hỏng hóa đơn. Trường hợp ngày cuối cùng (ngày thứ 5) trùng với ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày tiếp theo của ngày nghỉ đó. (Theo khoản 1 Điều 24 TT 39/2014/TT-BTC)

Mức phạt:

Trường hợp mất liên 1, liên 3 chưa lập hoặc đã lập nhưng chưa đến thời hạn lưu trữ: phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (Theo khoản 4 Điều 1 Thông tư 176/2016/TT-BTC)

Trường hợp mất liên 1, liên 3 đã lập trong thời gian lưu trữ: xử phạt theo điểm b khoản 2 Điều 15 Nghị định 41/2018/NĐ-CP:

“2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

b) Bảo quản tài liệu kế toán không an toàn, để hư hỏng, mất mát tài liệu trong thời hạn lưu trữ;”

Lưu ý: Mức phạt trên là dành cho cá nhân, còn mức phạt cho doanh nghiệp gấp 02 lần thành phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. (theo khoản 2 điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP).

2. Mất hóa đơn liên 2 (liên giao cho khách hàng)

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (theo khoản 4, điều 1 Thông tư 176/2016/TT-BTC)

+ Nếu làm mất hóa đơn đã lập liên 2: người bán và người mua đã lập biên bản ghi nhận sự việc, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hợp đồng, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa và có một tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt ở mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt cảnh cáo

+ Nếu bên bán tìm được hóa đơn đầu ra liên 2 đã mất trước khi cơ quan thuế ban hành quyết định xử phạt thì không bị phạt tiền.